SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO PHÁP LUẬT LÀ VIỆC LÀM THIẾT THỰC HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM
  • Điện thoại: (84-024) 37683065
  • Fax: (84-024) 37683058
  • Email: cuchhvn@vinamarine.gov.vn
CẢNG VỤ HÀNG HẢI
CẦN THƠ
- Lĩnh vực chuyên môn:
  • Điện thoại: (84-0292) 3841696
  • Di động: (84) 0918351985
  • Fax: (84-0292) 3841049
  • Email: cangvu.cto@vinamarine.gov.vn
- Lĩnh vực đạo đức công vụ:
  • Điện thoại: (84) 0916891696
Số hiệu:1037/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành:Khác
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:24/06/2014
Thời gian bắt đầu hiệu lực:24/06/2014
Thời gian hết hiệu lực:
Tình trạng văn bản:
Tài liệu đính kèm:QĐ 1037_QD-TTg_PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030.doc

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1037/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (Tờ trình số 12935/TTr-BGTVT ngày 29 tháng 11 năm 2013 và Văn bản số 3730/BGTVT-KHĐT ngày 04 tháng 4 năm 2014) về điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1 Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

  1. Quan điểm phát triển
  2. a) Tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển toàn diện hệ thống cảng biển, đột phá đi thẳng vào hiện đại, nhanh chóng hội nhập với các nước tiên tiến trong khu vực về lĩnh vực cảng biển nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; từng bước đưa kinh tế hàng hải trở thành mũi nhọn hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
  3. b) Phát triển hợp lý giữa các cảng tổng hợp quốc gia, cảng tổng hợp địa phương, cảng chuyên dùng đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống; chú trọng phát triển các cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam; từng bước củng cố, nâng cấp mở rộng các cảng khác; coi trọng công tác duy tu, bảo trì để đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả hệ thống cảng biển.
  4. c) Phát triển đồng bộ giữa cảng biển với mạng lưới kết cấu hạ tầng sau cảng, giữa kết cấu hạ tầng cảng biển với kết cấu hạ tầng công cộng kết nối với cảng biển. Đặc biệt chú trọng đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng lưới giao thông quốc gia và hệ thống các cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, đầu mối logistics ở khu vực.
  5. d) Phát triển hướng mạnh ra biển để tiếp cận nhanh chóng với biển xa, giảm thiểu khó khăn trở ngại về luồng tàu vào cảng; kết hợp tạo động lực phát triển các khu kinh tế, công nghiệp - đô thị ven biển.

đ) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển cảng biển với quản lý bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững; gắn liền với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

  1. Mục tiêu phát triển
  2. a) Mục tiêu chung:

Phát triển hệ thống cảng biển theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, khẳng định vị trí và ưu thế về kinh tế biển, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Hình thành những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng với quốc tế làm động lực phát triển các khu kinh tế, đô thị - công nghiệp ven biển.

  1. b) Mục tiêu cụ thể:

- Bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng xuất nhập khẩu và giao lưu giữa các vùng, miền trong nước bằng đường biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với năng lực theo quy hoạch của hệ thống cảng biển tại các thời điểm quy hoạch như sau:

+ Khoảng từ 400 đến 410 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 275 đến 280 triệu tấn/năm) vào năm 2015;

+ Khoảng từ 640 đến 680 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 375 đến 400 triệu tấn/năm) vào năm 2020;

+ Khoảng từ 1.040 đến 1.160 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 630 đến 715 triệu tấn/năm) vào năm 2030.

- Tập trung xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (khi có điều kiện) tiếp nhận được tàu trọng tải đến 100.000 tấn (tàu container 8.000 TEU) hoặc lớn hơn, đủ năng lực để có thể kết hợp vai trò trung chuyển container quốc tế; các cảng chuyên dùng quy mô lớn cho các liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện sử dụng than;

- Cải tạo, nâng cấp các cảng đầu mối hiện có; xây dựng có trọng điểm một số cảng địa phương theo chức năng, quy mô phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động vốn;

- Phát triển cảng tại các huyện đảo với quy mô phù hợp để tiếp nhận hàng hóa, hành khách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh;

-Khắc phục tình trạng lạc hậu về trình độ kỹ thuật - công nghệ, yếu kém về chất lượng phục vụ, tăng khả năng cạnh tranh trong hội nhập quốc tế về cảng biển;

- Nghiên cứu kết hợp chính trị với nạo vét để cải tạo, nâng cấp luồng tàu vào cảng, đảm bảo cho tàu lớn vào, rời cảng thuận lợi, an toàn, đồng bộ với quy mô cầu bến và phù hợp với chức năng, vai trò của cảng.

  1. Nội dung quy hoạch
  2. a) Theo vùng lãnh thổ, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 06 nhóm cảng:

- Nhóm 1: Nhóm cảng biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình;

- Nhóm 2: Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh;

- Nhóm 3: Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi;

- Nhóm 4: Nhóm cảng biển Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận;

- Nhóm 5: Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (bao gồm cả Côn Đảo và trên sông Soài Rạp thuộc địa bàn tỉnh Long An);

- Nhóm 6: Nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm cả Phú Quốc và các đảo Tây Nam).

  1. b) Theo quy mô, chức năng nhiệm vụ, hệ thống cảng biển Việt Nam có các loại cảng:

- Cảng tổng hợp quốc gia là các cảng chính trong hệ thống cảng biển Việt Nam, bao gồm:

+ Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa (Loại IA);

+ Cảng đầu mối khu vực (Loại I), gồm: Quảng Ninh, Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ.

- Các cảng tổng hợp địa phương (Loại II) có phạm vi hấp dẫn và chức năng phục vụ chủ yếu trong phạm vi địa phương (tỉnh, thành phố);

- Cảng chuyên dùng (Loại III) phục vụ trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp tập trung, hàng qua cảng có tính đặc thù (dầu thô, sản phẩm dầu, than, quặng, xi măng, clinke, hành khách,...) và là một hạng mục trong tổng thể cơ sở công nghiệp. Riêng cảng chuyên dùng trung chuyển than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện sẽ bố trí đầu mối tiếp nhận, trung chuyển chung cho từng cụm nhà máy.

Trong mỗi cảng biển có thể có nhiều khu bến cảng, mỗi khu bến cảng có thể có nhiều bến cảng, mỗi bến cảng có thể có nhiều cầu cảng với công năng và quy mô khác nhau, bổ trợ nhau về tổng thể. Tại cảng biển chuyên dùng có thể có bến xếp, dỡ hàng tổng hợp phục vụ trực tiếp cho cơ sở công nghiệp.

Các cảng biển tiềm năng xác định trong quy hoạch được phát triển khi có nhu cầu và khả năng đầu tư, chủ yếu được đầu tư vào giai đoạn sau của quy hoạch; cần dành quỹ đất thích hợp để phát triển các cảng này đáp ứng các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư trong tương lai.

  1. c) Chức năng, quy mô phát triển của từng nhóm cảng, cảng biển và các bến cảng chính được quy định cụ thể tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
  2. d) Định hướng cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải:

- Tập trung nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng, nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải theo định hướng chính như sau:

+ Chỉ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các luồng hàng hải công cộng phục vụ đồng thời cho nhiều cảng, khu bến, đặc biệt là luồng vào các cảng cửa ngõ quốc tế và một số cảng đầu mối khu vực trọng điểm có lượng hàng và mật độ tàu thông qua lớn;

+ Tiến trình cải tạo, nâng cấp luồng được thực hiện từng bước, với quy mô, chuẩn tắc kỹ thuật hợp lý tương ứng với công năng yêu cầu cho từng giai đoạn phát triển, trong đó đặc biệt lưu ý đến khả năng lợi dụng thủy triều để vận hành tàu qua luồng nhằm nâng cao tối đa hiệu quả đầu tư xây dựng cảng;

+ Chú trọng công tác nạo vét duy tu thường xuyên, định kỳ các tuyến luồng hàng hải hiện có và từng bước cải tạo, nâng cấp phù hợp với nguồn lực và quy mô, công năng của cảng xác định trong quy hoạch.

- Các luồng chính cần tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, gồm:

+ Luồng vào cảng Hải Phòng với trọng điểm là đoạn luồng vào khu bến Lạch Huyện, đoạn kênh Hà Nam, sông Bạch Đằng vào khu bến Đình Vũ;

+ Luồng Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải đến Gò Dầu: Giai đoạn trước mắt tập trung giải quyết các đoạn cạn, hẹp, cong gấp cục bộ để nâng cao hiệu quả khai thác luồng, đảm bảo an toàn hành hải, đặc biệt đối với các tàu có trọng tải lớn;

+ Luồng vào cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh theo sông Soài Rạp: Tập trung hoàn thành đầu tư luồng cho tàu trọng tải đến 30.000 tấn; chỉ tiến hành đầu tư giai đoạn tiếp theo khi thực sự có nhu cầu và trên cơ sở đánh giá tính ổn định của luồng sau cải tạo, nâng cấp;

+ Luồng kết nối tuyến vận tải hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cái Mép - Thị Vải qua sông Đồng Tranh;

+ Luồng vào cảng Cần Thơ và các cảng trên sông Hậu cho tàu 10.000 tấn đầy tải, tàu 20.000 tấn giảm tải qua kênh Quan Chánh Bố; tàu 3.000 tấn đến 5.000 tấn qua cửa Định An.

đ) Các dự án ưu tiên đầu tư:

- Đối với luồng vào cảng: Đoạn luồng Lạch Huyện, kênh Hà Nam, sông Bạch Đằng thuộc luồng vào cảng Hải Phòng; luồng vào khu bến Cái Lân cảng Quảng Ninh; luồng Soài Rạp cho tàu trọng tải đến 30.000 tấn; luồng Cái Mép - Thị Vải, khắc phục các đoạn cạn, hẹp, cong gấp cục bộ; luồng vào các cảng trên sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố; luồng liên kết cảng Thành phố Hồ Chí Minh với khu cảng Cái Mép - Thị Vải qua sông Đồng Tranh.

- Đối với cảng tổng hợp: Giai đoạn khởi động cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện); phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tồn tại, đẩy nhanh tiến trình di dời, chuyển đổi công năng các bến cảng trên sông Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), sông Hàn (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa).

- Đối với cảng chuyên dùng: Các cảng, khu bến phục vụ lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Sơn Dương - Vũng Áng (Hà Tĩnh), Vĩnh Tân, Sơn Mỹ (Bình Thuận), Duyên Hải (Trà Vinh).

  1. e) Nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng biển:

Tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 ước tính khoảng từ 80 đến 100 nghìn tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư, đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng); trong đó kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến khoảng từ 40 đến 50 nghìn tỷ đồng.

  1. Một số giải pháp, chính sách chủ yếu
  2. a) Huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển cảng biển; nguồn vốn ngân sách chỉ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển tại các cảng biển tổng hợp, đầu mối khu vực. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, hạ tầng công cộng kết nối với cảng biển (luồng tàu, đê chắn sóng, ngăn cát, hệ thống đường giao thông,…). Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cảng biển bằng các hình thức theo quy định của pháp luật; chú trọng áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) đối với các cảng, khu bến phát triển mới có quy mô lớn.
  3. b) Nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư cho các hạng mục kết cấu hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng dùng chung) kết nối với cảng biển quan trọng. Các hạng mục kết cấu hạ tầng bến cảng chủ yếu được đầu tư bằng nguồn huy động hợp pháp của doanh nghiệp.
  4. c) Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư để phát triển cảng biển, đồng thời khắc phục tình trạng đầu tư từng bến phân tán, nhỏ lẻ đối với các cảng biển, khu bến cảng trọng điểm, đầu mối khu vực, cửa ngõ quốc tế.
  5. d) Áp dụng cơ chế cho thuê khai thác đối với kết cấu hạ tầng các bến cảng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách theo quy định của pháp luật.

đ) Nghiên cứu và áp dụng thực hiện mô hình quản lý cảng phù hợp với điều kiện của Việt Nam để phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác cảng và thu hút nguồn lực đầu tư. Thí điểm áp dụng mô hình quản lý cảng biển ở một số cảng có đủ điều kiện như bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), khu bến cảng Vân Phong (Khánh Hòa) để từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thực hiện đồng bộ trong phạm vi cả nước.

  1. e) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng/trong thu hút đầu tư phát triển và kinh doanh khai thác, sử dụng cảng biển phù hợp với quá trình hội nhập và thông lệ quốc tế.
  2. g) Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển, trong đó đặc biệt lưu ý phối hợp gắn kết đồng bộ với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông kết nối đến cảng, quy hoạch xây dựng và quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có cảng.
  3. h) Đối với các cảng đầu mối khu vực, cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm, dành quỹ đất thích hợp phía sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.
  4. i) Việc di dời cảng phải thực hiện theo quy hoạch di dời và cơ chế, chính sách cụ thể về hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp cảng thuộc diện phải di dời.
  5. k) Việc quản lý thực hiện quy hoạch phải tuân theo quy hoạch phân khu chức năng theo quy hoạch được duyệt; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc cấp phép đầu tư xây dựng, hạn chế đầu tư các bến nhỏ lẻ và dành quỹ đất thích hợp để xây dựng các đầu mối logistics sau cảng.

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

  1. Bộ Giao thông vận tải:
  2. a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, kết hợp chặt chẽ với quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết Trung ương số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch.
  3. b) Tổ chức rà soát, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết phát triển các nhóm cảng biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong trường hợp cần thiết; thực hiện điều chỉnh, bổ sung, cập nhật quy hoạch chi tiết các bến cảng, cầu cảng thuộc cảng biển trong phạm vi quy hoạch hệ thống cảng biển được phê duyệt theo thẩm quyền; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
  4. c) Chỉ đạo nghiên cứu mô hình quản lý cảng biển phù hợp với điều kiện Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, khai thác cảng biển; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cần thiết để trình cấp có thẩm quyền quyết định nhằm thực hiện quy hoạch có hiệu quả.
  5. d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách về phí, giá dịch vụ tại cảng biển; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư, khai thác cảng biển phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam.

đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển thực hiện kế hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch được duyệt; đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng theo báo cáo tác động môi trường chiến lược của quy hoạch và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

  1. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương; đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Quyết định này thay thế Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).KN240

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng



Các văn bản pháp luật khác cùng chuyên mục