Tokyo Mou và Paris Mou cùng thực hiện chiến dịch kiểm tra tập trung (CIC) năm 2017 về an toàn hành hải (23/08/2017)
Chính quyền Hàng hải của các nước của Thỏa thuận kiểm tra nhà nước cảng biển châu Á – Thái Bình Dương Tokyo MOU sẽ kết hợp với Chính quyền Hàng hải của các nước của Thỏa thuận kiểm tra nhà nước cảng biển Paris MoU để thực hiện chiến dịch kiểm tra tập trung năm 2017 về vấn đề “An toàn hành hải” từ ngày 01/9 đến hết ngày 31/11/2017. Mục đích của chiến dịch lần này nhằm kiểm tra sự phù hợp của các quy định an toàn cho tàu, tình trạng chung của các trang thiết bị hành hải trên tàu, và khả năng của thuyền viên liên quan đến hoạt động hàng hải đảm bảo tàu biển và thuyền viên vận hành con tàu đó đáp ứng được các yêu cầu về an toàn hành hải được quy định cụ thể trong chương V của Solas 74/78.
Trang thiết bị hành hải luôn là các hạng mục kiểm tra chính của các Sĩ quan kiểm tra Nhà nước tại cảng biển. Trước đó, cả Tokyo MoU và Paris MoU đã triển khai chiến dịch kiểm tra tập trung CIC liên quan đến vấn đề an toàn hàng hải. Cụ thể, Tokyo MoU đã thực hiện CIC về an toàn hàng hải năm 2008, trong khi đó Paris MoU thì triển khai CIC liên quan đến Solas Chương V. Tuy nhiên, các quy định về trang thiết bị hành hải quy định trong chương V - Solas thường xuyên được thay đổi bởi IMO trên cơ sở các sửa đổi bổ sung. Trong tổng số khiếm khuyết của quá trình kiểm tra PSC, những khiếm khuyết liên quan đến trang thiết bị hành hải luôn chiếm một tỷ lệ lớn. Cụ thể, trong thời gian từ năm 2009 - 2015, đã có tổng số 131.022 khiếm khuyết được phát hiện liên quan đến trang thiết bị hành hải, chiếm tỉ lệ 16,52% trên tổng số khiếm khuyết, 1.875 khiếm khuyết trong số đó có thể dẫn tới lưu giữ tàu, chiếm tỉ lệ 6,21%.
Kể từ khi được đưa vào sử dụng, có thể thấy rằng ECDIS đã đóng góp nhiều vào việc duy trì đảm bảo an toàn hành hải và giảm thiểu gánh nặng về việc hành hải đối với người đi biển. ECDIS không chỉ cung cấp cho người đi biển sự thuận tiện trong việc lập kế hoạch hành trình, giám sát tuyến hành trình, kiểm soát và xác định vị trí tàu sau đó, .., mà còn cung cấp, hiển thị báo động phù hợp liên quan đến các thông tin và sự hư hỏng của các trang thiết bị. Do đó, CIC sẽ tập trung vào việc trang bị lắp đặt và khai thác sử dụng ECDIS, đồng thời liên quan đến việc thiết lập tuyến hành trình và các trang thiết bị hành hải bao gồm AIS, BNWAS, VDR, các đèn tín hiệu của tàu...
Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển sẽ sử dụng bảng câu hỏi (gồm 12 câu) để đánh giá:
1. Trang thiết bị hành hải phải phù hợp với các giấy chứng nhận theo yêu cầu còn hiệu lực,.
2. Các thiết bị hành hải liên quan phải được bảo dưỡng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phải hoạt động phù hợp
3. Thuyền trưởng và các sỹ quan trực ca phải thành thạo trong việc khai thác trang thiết bị hành hải buồng lái, bao gồm ECDIS.
Trong trường hợp kiểm tra phát hiện ra khiếm khuyết, Sỹ quan kiểm tra sẽ hướng dẫn cho thuyền trưởng cách khắc phục trong khoảng thời gian nhất định hoặc có thể lưu giữ tàu. Dự kiến Tokyo MOU và Paris MOU sẽ kiểm tra khoảng 10.000 tàu biển trong thời gian CIC. Kết quả của Chiến dịch kiểm tra sẽ được tổng hợp, phân tích và đánh giá để báo cáo tất cả các thành viên của Thỏa thuận và IMO.